title Các đơn vị thuộc thành phố

Trường Trung học Áo tím - Gia Long - Nguyễn Thị Minh Khai kỷ niệm 100 năm
Thứ năm, 05/10/2017, 10:17 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sáng ngày 09/11/2013, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường (1913 - 2013).

Đến tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM; đồng chí Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám Đốc cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM; đồng chí Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo TP. HCM; đồng chí Hoàng Nghĩa Huỳnh, Phó Ban Thi đua - Khen thưởng TP.HCM; cùng những khách mời, nhiều thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo, cựu học sinh và học sinh nhà trường.

Trường được bắt đầu xây dựng vào ngày 06/11/1913. Hai năm sau, ngày 19/10/1915 trường khai giảng khóa đầu tiên với 42 nữ sinh, gồm nhiều cấp, từ lớp mẫu giáo đến những lớp cao hơn. Tháng 09/1922, Trường Áo tím khai giảng lớp trung học đệ nhất cấp đầu tiên, học sinh muốn theo học bậc trung học đệ nhất cấp phải qua khóa thi căn bản giáo dục và kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của trường. Năm 1952, hệ thống giáo dục Việt Nam thay dần hệ thống giáo dục của Pháp, Anh văn và Pháp văn được xem là môn học chủ yếu trong các lớp ngoại ngữ. Năm 1953, áo dài màu trắng với hoa mai vàng thêu đã thay cho chiếc áo dài màu tím, Việt ngữ lúc này là quốc ngữ và trường áo tím được đổi tên thành Trường Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn.

Năm 1964, trường Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn có tất cả 100 lớp: Buổi sáng có 55 lớp, từ lớp đệ tứ đến lớp đệ nhất (lớp 9-12), buổi chiều có 45 lớp, từ đệ thất đến lớp đệ ngũ ( lớp 6 đến lớp 8). Vào thập niên 70, vào kỳ thi tuyển lớp đệ thất, mỗi năm có chừng 700 nữ sinh trúng tuyển trong số 10.000 thí sinh dự thi. Trường có 200 giáo sư và 5.000 nữ sinh theo học.

Miền Nam trước ngày giải phóng có nhiều trường trung học công lập chỉ có nữ sinh như: Trường Nữ trung học Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho, Trường Nữ sinh Đồng Khánh ở Cố đô Huế… Nữ sinh của trường đã trải qua 2 cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, đồng hành với học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường. Có rất nhiều nữ sinh của trường Áo tím - Gia Long thời loạn lạc ấy đã thoát ly tham gia kháng chiến, có người bị bắt, bị tù, bị đày ra Côn Đảo, có người đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường.

Sau ngày Miền Nam giải phóng, Trường Nữ sinh Gia Long được mang tên Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyễn Thị Minh Khai là tên nữ Bí Thư anh hùng đầu tiên của Sài Gòn, bị chính quyền cũ bắt và bị đày ra Côn Đảo và bà đã hy sinh tại đây. Năm 1978-1979 Trường Nguyễn Thị Minh Khai không còn dành riêng cho nữ sinh như trước đây, các nam sinh cũng được học ở trường này. Sau 38 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều thay đổi, nhưng ngôi trường này vẫn luôn giữ mãi được ấn tượng Áo Tím- Gia Long - Nguyễn Thị Minh Khai trong lòng những học sinh của trường, và họ rất hãnh diện được ngồi học dưới mái trường danh tiếng thân yêu này.

Nhân dịp mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là ngày Trường kỷ niệm 100 năm thành lập, tập thể thầy cô giáo và toàn thể học sinh nhà trường vinh dự được đón nhận Cờ truyền thống và nhiều hình thức khen thưởng khác do UBND TP. HCM trao tặng.

 

Phong Hồ

Số lượng lượt xem: 1397
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa