title Phong trào thi đua

PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC HUYỆN CỦ CHI
Thứ năm, 05/10/2017, 03:24 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Củ Chi là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhiên 43.456 ha, trong đó đất nông nghiệp 23.592ha, chiếm 54% tổng diện tích đất tự nhiên, gồm có 20 xã và 01 thị trấn, với 94.634 hộ dân, và 343.132 nhân khẩu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, nhân dân huyện Củ Chi đã một lòng, một dạ đi theo cách mạng và có rất nhiều người con ưu tú đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhiều người con ưu tú trên khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trên mảnh đất này. Riêng Củ Chi có 11.000 liệt sĩ, trên 30.000 hộ chính sách, 772 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và hàng ngàn người dân phải hứng chịu bao nổi đau thể xác lẫn tinh thần. 

Chính từ những cống hiến, hy sinh to lớn đó, Củ Chi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” và “Huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, và ngày nay công cuộc đổi mới được phong tặng “Huyện Anh hùng Lao động”.

Với vị trí địa lý là huyện cửa ngõ Tây Bắc của thành phố, nơi có tuyến đường Xuyên Á nối liền thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Tây Ninh và sang Campuchia, tiếp giáp với sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, có nhiều hệ thống kênh rạch, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Xuất phát từ nhận thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và việc tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp và các tầng lớp nhân dân trong huyện; phong trào thi đua ngày càng phát triển sâu rộng, đa dạng về hình thức, chất lượng ngày một nâng cao, nội dung thi đua đã được cụ thể hoá trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, đã góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phong trào thi đua XHCN nhân điển hình tiên tiến của huyện trong năm năm qua đã gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, đã dấy lên được các phong trào hành động cách mạng thiết thực của quần chúng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động và đời sống xã hội, thu hút các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân lao động, phát huy tính năng động sáng tạo vốn có, tháo gỡ khó khăn, phát huy sáng kiến, phấn đấu hoàn thành kế hoạch nhà nước, tạo cho phong trào thi đua XHCN của huyện có bước phát triển mới về cả mọi mặt.

Trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị kinh tế - xã hội, Huyện ủy - UBND huyện luôn coi trọng việc tổ chức phát động phong trào thi đua, xem đây là một biện pháp tích cực để vận động phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Chính sự quan tâm này đã tác động mạnh mẽ đến lãnh đạo các đơn vị, động viên tinh thần quyết tâm phấn đấu bền bỉ của các ngành, các xã, thị trấn, các đơn vị cơ sở làm cho phong trào được duy trì thường xuyên và đạt kết quả tốt.

Trong tất cả các hoạt động, luôn có sự phối hợp đồng bộ giữa Đảng, chính quyền, mặt trận các đoàn thể, giữa các ngành với các xã, thị trấn. Nội dung và hình thức tổ chức của phong trào được thực hiện một cách toàn diện và bắt nhịp kịp thời với những vấn đề trọng tâm cũng như đột xuất của nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.

Nhiều phong trào thi đua được phát động và đạt kết quả cao, được nhân dân đồng tình hưởng ứng sôi nổi như:

         - Phong trào đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn - giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống chiếu sáng dân lập theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, cùng tham gia góp vốn, hiến đất, tham gia kiểm tra, giám sát quá trình thi công, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, trong 5 năm qua huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư 1.270 tỷ đồng (bình quân 254tỷ/năm).

         Trong đó, nhân dân đóng góp bằng tiền mặt với số tiền 6,688 tỷ đồng và hiến 150ha đất, với tổng giá trị tiền là 229 tỷ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), để tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn - giao thông nội đồng (khai hoang 122 tuyến đường, với chiều dài 70,08km; cấp phối sỏi đỏ 150 tuyến, chiều dài 174km; bê tông nhựa nóng 74 tuyến, chiều dài 233,158km), và lắp đặt 8.895 bộ đèn chiếu sáng, cho 635 tuyến đường, với tổng chiều dài 571km.

            - Phong trào chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng hoa lan, trồng rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi heo. Điển hình trong trồng trọt hiện có mô hình trồng hoa lan cắt cành, trồng cây kiểng mang lại hiệu quả khá cao, như hộ anh Nguyễn Văn Cường, nông dân xã Phước Hiệp, hộ chị Tuyết, nông dân xã Hòa Phú, trước đây canh tác 2 ha đất trồng lúa, trồng hoa màu, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm/ha, từ năm 2005 chuyển sang trồng hoa lan Mokara cắt cành, thu nhập bình quân 100 triệu/ tháng (1,2tỷ/năm/ha), và nhiều gia đình làm giàu từ mô hình này.

- Đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhiều cán bộ, công chức và người lao động gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến như: Gương cán bộ chiến sĩ công an liêm khiết không nhận hối lộ, gương y bác sĩ tận tụy phục vụ bệnh nhân, gương giáo viên vượt khó dạy giỏi, gương công chức nhà nước tận tụy hết lòng phục vụ nhân dân v.v... Mỗi tấm gương đều được nhân rộng để học tập và làm theo.

- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã làm chuyển biến rõ nét trong đội ngũ cán bộ công chức từ xã đến huyện, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân có nâng lên. Trong thực hiện thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn hàng năm đều tăng lên, hiện nay có trên 95% hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất đai theo cơ chế hành chính một cửa liên thông đúng thời gian quy định.

Chương trình hành động phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2006 - 2010, luôn được tiến hành thường xuyên trên các lĩnh vực, qua công tác thanh tra, kiểm tra của huyện và tự kiểm tra của các đơn vị, các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí được phát hiện, xử lý kịp thời.

Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

1. Các phong trào thi đua phải được xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, công khai, bàn bạc trước dân. Từ đó, mới huy động sức mạnh của nhân dân cùng tham gia hưởng ứng, giám sát thực hiện, nâng cao ý thức làm chủ của nhân dân, tạo được sự đồng tình, nhất trí trong nội bộ nhân dân, củng cố lòng tin của dân đối với Đảng và chính quyền địa phương.

2. Phải phát huy dân chủ cơ sở, khơi dậy sức mạnh của quần chúng nhân dân chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương đưa kinh tế - xã hội của huyện không ngừng phát triển. Cũng từ thực hiện quy chế dân chủ, sẽ làm chuyển biến tích cực nhận thức về quan điểm quần chúng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống lại những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xa rời quần chúng, giữ vững quan điểm “Lấy dân làm gốc”, tạo được lòng tin và sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước được kiện toàn, hiệu quả hoạt động được nâng lên, giải quyết tích cực những vấn đề bức xúc của nhân dân trên các lĩnh vực.

3. Tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm về nông nghiệp, nông thôn, như đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế 5 xã điểm, đề án xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã Thái Mỹ, và xã Tân Thông Hội. Qua đó đã góp phần cải thiện đời sống của nông dân nông thôn, thu dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Số lượng lượt xem: 1574
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa