title Phong trào thi đua

Phong trào thi đua: Mỗi người làm việc bằng hai Vì miền Nam ruột
Thứ năm, 05/10/2017, 03:24 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Chiến thắng 30/4/1975 - một sự kiện có tính thời đại sâu sắc, một biểu tượng sáng ngời quật cường của dân tộc Việt Nam, một lần nữa khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta. Qua thực tiễn cách mạng đã tiếp tục khẳng định, các phong trào thi đua ngày đó đã góp phần lớn làm nên chiến thắng vĩ đại này. Phong trào thi đua Mỗi người làm việc bằng hai Vì miền Nam ruột có sức sống sâu rộng và ý nghĩa to lớn.

Ngày 28 tháng 4 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Chính trị đặc biệt theo quy định của Hiến pháp. Tại Hội nghị đã khẳng định: Chúng ta vô cùng tự hào với miền Nam anh hùng. 10 năm qua ở miền Nam là 10 năm đấu tranh oanh liệt, 10 năm thắng lợi vẻ vang. Suốt 20 năm trời ròng, đồng bào miền Nam ta đã không ngừng đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Hết chống thực dân Pháp, lại chống đế quốc Mỹ, lực lượng yêu nuớc miền Nam đã vượt mọi gian khổ khó khăn, càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng. Thật xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Hội nghị cũng đã phân tích tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra những đường lối cơ bản để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, góp phần bảo vệ hoà bình thế giới.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và kêu gọi: “Đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, tất cả các vị đại biểu đều nhất trí và quyết tâm cùng với toàn dân nâng cao hơn nữa chí khí cách mạng, ra sức thi đua yêu nước, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn giành những thắng lợi rực rỡ hơn nữa... Tôi đề nghị các các đồng chí sẽ đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả chúng ta ở Hội nghị này đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên !”. Từ sau Hội nghị này, phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” đã được chính thức phát động.

Từ lời hiệu triệu, phong trào thi đua đã lan toả khắp các địa phương miền Bắc, miền Trung, trở thành mục tiêu phân đấu của mỗi người, mỗi ngành. Ngày đó, mỗi người làm việc, lao động không hề tính toán trước sau về lợi ích mà lợi ích cao đẹp nhất để miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Miền Bắc làm nghĩa vụ hậu phương lớn. Ngay cả trong điều kiện chiến tranh ác liệt, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, miền Bắc vẫn một lòng hướng về miền Nam. Tuyến đường vận chuyển chiến lược Bắc - Nam mang tên Hồ Chí Minh trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn và trên biển dọc theo bờ biển Việt Nam bắt đầu khai thông từ tháng 5/1959, dài hàng nghìn kilômét đã nối liền hậu phương và tiền tuyến, thắt chặt tình cảm ruột thịt Bắc - Nam. Qua hai tuyến đường vận chuyển chiến lược đó, trong bốn năm (1965 - 1968), miền Bắc đã đưa hơn 300.000 cán bộ, bộ đội, là những người con miền Bắc vào Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia các nhiệm vụ xây dựng kinh tế, văn hoá tại các vùng giải phóng và cũng đã gửi vào Nam hàng chục vạn tấn hàng gồm: vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiều vật dụng khác. Tính chung, sức người, sức của từ Bắc chuyển vào Nam trong bốn năm đó đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước. Đó là chưa kể hàng vạn chiến sĩ lái xe, lái tàu, công binh, thanh niên xung phong, giao liên làm nhiệm vụ đưa đón trên tuyến đường Trường Sơn.

Ngoài phong trào thi đua Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, còn có nhiều phong trào thi đua tiêu biểu khác như: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; phong trào thanh niên “ba sẵn sàng", phụ nữ “ba đảm đang”, nông dân “tay cày tay súng”, công nhân “tay búa tay súng”, học sinh làm “nghìn việc tốt chống Mỹ”. Ngày đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên đã sẵn sàng lên đường nhập quân ngũ và cũng không ít em gái tuổi đời còn rất trẻ tham gia phong trào thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện. Mặc dù, sự sống và cái chết chỉ là gang tấc.

Ở miền Bắc, dưới khói lửa đạn bom của máy bay, tàu chiến Mỹ, nhân dân vẫn không nao núng quyết tâm vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa dồn sức chi viện mạnh mẽ, liên tục, ngày càng tăng cho tiền tuyến miền Nam. Hàng hoá, vũ khí, con người được đưa vào miền Nam yêu thương bằng những con đường mang tên đường chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển và trên bộ. Tại miền Nam, quân và dân các địa phương, các chiến trường đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và binh vận trên khắp ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị... Tất cả hưởng ứng lời kêu gọi hiệu triệu thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Xử dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương tại;… “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn". Trái tim của mọi người dân Việt Nam đều hướng về miền Nam, tất cả vì Miền Nam ruột thịt cùng góp phần làn nên ngày toàn thắng.

Kết quả phong trào thi đua Một người làm việc bằng hai Vì miền Nam ruột thịt là sức mạnh to lớn, đã thực sự phát huy hiệu quả. Cùng với các phong trào thi đua khác ngày đó đã làm nên chiến thắng lịch sử. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp. Năm 2010, tròn 35 năm ngày giải phóng miền Nam, những người đã từng được sống và làm việc trong phong trào Vì miền Nam ruột thịt rất đỗi tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến thắng vĩ đại này./.

                                                                                    Ngọc Bách

Số lượng lượt xem: 2096
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa