title Phong trào thi đua

KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2011)
Thứ năm, 05/10/2017, 03:24 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Hòa trong muôn triệu tấm lòng tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2011), kỷ niệm 63 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2011) và kỷ niệm lần thứ 04 ngày Truyền thống Thi đua yêu nước 11/6, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng thành phố cùng nhau ôn lại những dấu son lịch sử của Người và truyền thống thi yêu nước trong 63 năm qua của cả nước nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Cách đây 100 năm, ngày 05 tháng 6 năm 1911, tại bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành - người thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước với ý chí mãnh liệt đã tạm rời xa Tổ quốc, đi ra nước ngoài để tìm cách giúp dân, cứu nước.

Với sự khổ công học tập, hòa mình lao động cùng lớp người cùng khổ và tham gia hoạt động tích cực trong các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế; với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, với một tấm lòng thương dân, yêu nước nồng nàn và ý chí, nghị lực phi thường, Người trở thành một chiến sĩ cộng sản chân chính, dấn thân tranh đấu vì mục đích cao đẹp: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ những năm 1920, Người đã thực hiện các hoạt động  truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam; sau đó, đã trực tiếp chuẩn bị về mọi mặt để xây dựng một chính đảng Mác-xít ở Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3 tháng 2 năm 1930 với đường lối cách mạng đúng đắn do Người vạch ra đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

 Từ đây, cả dân tộc vùng lên chiến đấu dưới cờ Đảng quang vinh, thực hiện đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đã giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã vươn lên thành người làm chủ đất nước; dân tộc ta được bình đẳng trong cộng đồng quốc tế.

Sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu đã ghi đậm một nét son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam anh hùng, một dân tộc bất khuất, dũng cảm, kiên cường, bằng trí tuệ tài ba, tinh thần sáng tạo, quyết tâm dù phải đối mặt với phong ba bão táp, thử thách khắc nghiệt để mưu tìm độc lập tự do, ấm no hạnh phúc, luôn vươn lên nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, thực hiện bằng được lẽ phải, chân lý. Ngày 05 tháng 6 năm 1911 đối với chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau đã trở thành một Ngày lịch sử - ngày khởi đầu một cuộc trường chinh vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Cùng với kỷ niệm sự kiện lịch sử to lớn ấy, năm nay cùng với cả nước, chúng ta tự hào kỷ niệm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Cách đây 63 năm, để động viên mọi lực lượng tham gia thực hiện đường lối “Kháng chiến, kiến quốc” của Đảng nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược, ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, góp phần giáo dục, động viên, nêu gương cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ra sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thi đua yêu nước trở thành vấn đề có ý nghĩa quan trọng và to lớn, Đảng và Nhà nước đã chính thức lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước kể từ năm 2008.

Thi đua yêu nước, theo Bác Hồ: “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà là đều có thể và cần phải thi đua. Hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội phải được tiến hành một cách tích cực và sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần; qua đó thể hiện  lòng yêu nước, thương dân, tình cảm thiết tha đối với quê hương, đất nước; phấn đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của nước nhà, phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập; lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.

Trong Lời kêu gọi Thi đua yêu nước ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích thiết thực của thi đua yêu nước. Đó là khát vọng, quyết tâm của nhân dân ta vươn lên, chiến đấu đánh bại quân xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; đồng thời ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa để thoát khỏi nghèo khổ, dốt nát, ai cũng đủ ăn, đủ mặc, ai cũng biết đọc, biết viết, từng bước cải thiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm động viên, lôi cuốn toàn đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thực hiện mọi công việc, làm cho phong trào hành động cách mạng thành sự nghiệp của quần chúng, làm nền tảng cho mọi thắng lợi - Bác Hồ nói: “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Theo tinh thần chỉ đạo của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giữ vững niềm tin son sắc, đoàn kết một lòng, thi đua ái quốc, phấn đấu hy sinh làm nên những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX, cùng nhân loại bước vào thế kỷ XXI, hội nhập và phát triển.

Hơn 63 năm qua, phong trào thi đua yêu nước liên tục phát triển, mỗi một thời kỳ cách mạng đều có những phong trào thi đua được nhân dân hưởng ứng, sôi nổi tham gia, mang lại hiệu quả to lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm, góp phần tô thắm truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Những phong trào thi đua lớn như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến” của thời kỳ kháng chiến chống Pháp; “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc lý” “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang” của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thể hiện cao độ tinh thần thi đua yêu nước của nhân dân ta.

Phát huy truyền thống hào hùng, từ năm 1975 đến nay bằng nhiều hoạt động thi đua trên khắp các lĩnh vực của các cấp, các ngành đã tạo thành các phong trào nổi bật như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Xây dựng nông thôn mới”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Mùa hè xanh”; “Giữ gìn và phát huy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ”, “Học tập và làm theo sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vì an ninh tổ quốc”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” …Những phong trào thi đua đó đã thể hiện lòng yêu nước, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, ai cũng có thể và có điều kiện hành động cách mạng để góp phần xây dựng đất nước và đã thực sự mang lại hiệu quả vật chất và tinh thần vô cùng to lớn.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh luôn phát động những phong trào thi đua phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, đã có nhiều phong trào dẫn đầu cả nước, trong kháng chiến có phong trào: “Tự tạo vũ khí chế tạo”, “Địa đạo kháng chiến”… Nay có các phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ giữ nước”…và rất nhiều...rất nhiều phong trào thi đua yêu nước từ thành phố đế các tổ chức cơ sở trên địa bàn thành phố đang được phát triển mạnh mẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố và của cả nước.  Từ phong trào thi đua ái quốc, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng: Anh hùng Lực lượng võ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến; Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; và Thành phố Anh hùng. 02 lần được Đàng, nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là sự ghi nhận thành quả to lớn qua các thời kỳ lịch sử, nói lên tinh thần thi đua yêu nước của Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đặc biệt là trong những năm qua, phong trào thi đua của thành phố luôn gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Cụm 5 thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước.

Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng không ngừng được kiện tòan, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được chú trọng nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đọan mới.

Hôm nay, thành phố kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 63 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, chúng ta xin hứa với Người sẽ nỗ lực cao hơn nữa quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

                                                                                HOÀNG NGHĨA HUỲNH

Số lượng lượt xem: 136
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa