title Phong trào thi đua

Cuộc vận động “Người tiểu thương văn minh, lịch sự" trong khối chợ thuộc Sở Công Thương
Thứ năm, 05/10/2017, 03:24 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sở Công Thương thành phố đã xác định nhiệm vụ của ngành trong việc thực hiện tuyên truyền vận động các tiểu thương trong chợ truyền thống với chủ đề "Người tiểu thương văn minh, lịch sự". Mục tiêu của cuộc vận động nhằm giữ gìn nét đẹp văn hoá họp chợ bao đời của người dân Việt Nam, đồng thời xây dựng, phát triển các ứng xử văn minh trong giao tiếp của người tiểu thương hiện đại, tạo hình ảnh đẹp đối với du khách khi đến thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 28 trung tâm thương mại, 92 siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Song song với các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại trên, thành phố cũng còn trên 230 chợ truyền thống với trên 70.000 tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ. Tuy nhiên, tại các chợ truyền thống, ngoài một số sản phẩm được định giá và được kiểm tra, việc niêm yết giá thường xuyên từ các nhà sản xuất hay Ban Quản lý Chợ, đa phần tiểu thương không niêm yết giá cả hàng hóa, tình trạng nói thách khá phổ biến ở nhiều chợ có tiếng tại trung tâm thành phố vấn đề này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của người bán hàng, tạo cho khách hàng một tâm lý luôn phải đề phòng, cảnh giác để không bị "hớ" khi mua hàng tại chợ. Thực tế trên cho thấy việc tuyên truyền vận động các tiểu thương tại các chợ truyền thống xây dựng chợ văn minh thương nghiệp là việc cấp bách. Các ngành, các cấp đã phối hợp triển khai cuộc vận động này một cách quy mô. Nhằm hỗ trợ tiểu thương tại các chợ truyền thống nâng cao khả năng cạnh tranh trong giao tiếp – bán hàng với các kênh bán lẻ khác, trong năm 2009, Sở Công Thương đã cùng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Sở Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, ITPC, Phòng Kinh tế, Phòng Công Thương của các quận, huyện và Ban Quản lý các chợ truyền thống tổ chức được 2 đợt “Tập huấn Kỹ năng bán hàng dành cho tiểu thương các chợ trên địa bàn TPHCM”.

Sở Công Thương đã chú trọng việc thiết lập một hệ thống kênh phân phối văn minh - hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý… Từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBNDTP ban hành Quyết định số 41/2009/QĐ-UBND về phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TPHCM đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án là hình thành một hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ vững mạnh và hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế và loại hình tổ chức, vận hành trong môi trường cạnh tranh, có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy các mặt đã làm được, Sở Công Thương đã đề ra kế hoạch với nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện cuộc vận động như sau:

* Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực hộ tiểu thương, người lao động ở các chợ, chủ yếu nâng cao kiến thức về pháp luật có liên quan để người tiểu thương  hiểu và tự giác chấp hành.  Tiếp tục phối hợp giữa các ngành chức năng tuyên truyền vận động để các tiểu thương thực hiện tốt các cuộc vận động do các sở, ban, ngành phát động, nhất là việc lồng ghép triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; phối hợp với Trường Đại học Kinh tế tiếp tục triển khai các lớp bồi dưỡng tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.

* Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ, các đại lý nhằm đảm bảo hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá gây bất ổn thị trường. Nâng cao năng lực của Ban Quản lý các Chợ bằng cách thường xuyên đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Lực lượng này cần thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình trong việc thay mặt Nhà nước quản lý cơ sở vật chất của chợ, kiểm tra tình hình hộ tiểu thương chấp hành các quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh ở chợ.

* Vận động các tiểu thương niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, các hộ tiểu thương phải lịch sự trong giao tiếp; hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chợ phải đảm bảo vệ sinh môi trường, các quầy sạp được bố trí đúng thiết kế của chợ, không được cơi nới lấn chiếm lối đi...

            Đến nay Việt Nam đã phát triển và ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, việc các chợ truyền thống có tồn tại và phát triển với các loại hình kinh doanh văn minh hiện đại hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đội ngũ tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống. Do đó, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các tiểu thương để “nâng chất” họ, giúp tiểu thương có được văn hóa ứng xử phù hợp với môi trường cạnh tranh và hội nhập, tiến tới mọi tiểu thương phải là người kinh doanh văn minh, lịch sựnhằm giữ gìn và phát huy được thế mạnh của chợ truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh, tạo hình ảnh đẹp đối với du khách khi đến thành phố.

S.T

Số lượng lượt xem: 278
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa