title Phong trào thi đua

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp thí sinh đến thành phố thi đại học
Thứ năm, 05/10/2017, 03:24 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sau gần 14 năm thực hiện, chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành một hoạt động quen thuộc đối với sinh viên, học sinh và cả xã hội. Chương trình bắt nguồn từ hình ảnh bơ vơ, lạc lỏng, đầy lo lắng của không ít các bạn học sinh từ các tỉnh về thành phố dự thi. Nhiều bạn và cả gia đình họ đã bị lừa gạt, mất tiền của, số khác thì không nơi nương tựa, phải ngủ ngoài công viên nhiều cạm bẫy và rủi ro. Lúc ấy, năm 1997, tuy Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên (TTHTSV) – Hội Sinh viên Thành phố mới tròn “9 tháng tuổi” nhưng ban lãnh đạo vẫn nghĩ phải làm cách nào đó để không xảy ra những tình trạng tương tự. Và chương trình mang tên “Hỗ trợ thí sinh thi đại học, cao đẳng” ra đời.

Năm đầu tiên hoạt động, TTHTSV vận động các bạn sinh viên tình nguyện tham gia tìm chỗ trọ cho thí sinh. Với lực lượng ban đầu rất mỏng, khoảng hơn 10 sinh viên tình nguyện nên chương trình chỉ có thể hỗ trợ cho 200 thí sinh có chỗ trọ. Tuy nhiên, từ kết quả ban đầu đó đã cho thấy sự cần thiết của chương trình. Càng về sau, chương trình càng đa dạng với nhiều loại hình hoạt động như tư vấn, chở thí sinh đi thi, phát tặng cẩm nang, bản đồ, hỗ trợ kinh phí… góp phần rất quan trọng trong việc giúp các thí sinh an tâm bước vào kỳ thi quan trọng.

Nói về nguyên nhân thành công của chương trình, chắc chắn không thể không nhắc đến sự nhiệt huyết, tinh thần tình nguyện của các sinh viên tham gia. Trong đó có không ít bạn đã từng nếm trãi những khó khăn khi lần đầu bước chân đến thành phố dự thi, cũng đã từng được giúp đỡ nên đã rất nhiệt tình tham gia hoạt động tình nguyện này. Số lượng sinh viên tình nguyện tham gia chương trình tăng dần qua các năm. Qua biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy sức lan tỏa của một phong trào tình nguyện. Từ các đơn vị trường học đến các tổ chức, cá nhân đã tình nguyện tổ chức “tiếp sức” cho các thí sinh dự thi. Tính chuyên nghiệp của chương trình ngày càng cao khi đã có sự phân công chuyên môn rõ rệt cho các đội tình nguyện, giúp chương trình đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay, chương trình có rất nhiều đội hình, như: đội hình khảo sát nhà trọ, đội hình đón và tư vấn tại bến xe, đội hình giới thiệu nhà trọ, đội hình chở thí sinh, đội hình quản lý nhà và hỗ trợ chủ nhà, đội hậu cần…

- Đội hình khảo sát nhà trọ: Nhà trọ là vấn đề thí sinh quan tâm nhất khi đến Thành phố. Để hỗ trợ tốt cho thí sinh, TTHTSV đã chủ động tìm kiếm các địa chỉ nhà trọ cho thí sinh bằng cách thành lập đội hình sinh viên tình nguyện khảo sát nhà trọ. Các sinh viên tham gia đội hình này có nhiệm vụ tìm kiếm, khảo sát các khu vực có nhà cho thuê, làm việc với các chủ nhà, tổng hợp danh sách nhà trọ. Đội hình này thường bắt đầu hoạt động vào tháng 3 hàng năm.

- Đội hình đón và tư vấn tại các bến xe: Đây là những sinh viên tình nguyện đầu tiên tiếp xúc với thí sinh ngay khi thí sinh bước xuống xe. Với nụ cười thân thiện, các sinh viên này sẽ nhanh chóng tiếp cận thí sinh trước khi các bạn bị “chèo kéo”. Các sinh viên tình nguyện sẽ tư vấn kỹ càng từ địa điểm thi, hướng dẫn đường đi, nhà trọ…, đồng thời phát tặng thí sinh cẩm nang hướng dẫn, bản đồ thành phố…

- Đội hình giới thiệu nhà trọ: Sau khi thí sinh được các sinh viên tình nguyện tư vấn tại các bến xe và chuyển về, các bạn tham gia nhóm giới thiệu nhà trọ sẽ căn cứ vào địa điểm thi để chọn và giới thiệu các nhà trọ phù hợp cho  thí sinh.

- Đội hình xe chở thí sinh: Nhóm này có nhiệm vụ chở các thí sinh về nhà trọ (nếu thí sinh có nhu cầu) với mức giá hỗ trợ. Những thí sinh khó khăn sẽ được chở miễn phí về các nhà trọ miễn phí.

- Đội quản lý nhà và hỗ trợ chủ nhà: Trong quá trình tìm nhà trọ cho thí sinh phát sinh tình trạng có nhiều chủ những căn nhà lớn muốn cho thí sinh ở trọ miễn phí, nhưng không có người quản lý nên không thể cho ở được. Để tháo gỡ vướng mắc này, chương trình đã nhanh chóng thành lập đội hình sinh viên tình nguyện quản lý và hỗ trợ chủ nhà. Các bạn tham gia đội hình này sẽ có nhiệm vụ thay mặt chủ nhà quản lý nhà, hướng dẫn các thí sinh trong thời gian ở trọ.  

Để duy trì và phát triển chương trình, ngay từ đầu tháng 3 hàng năm, TTHTSV đã tiến hành các hoạt động vận động tìm nhà trọ. Các sinh viên tình nguyện sẽ chủ động liên lạc với các chủ nhà trọ đã từng tham gia chương trình, tổ chức họp mặt chủ nhà định kỳ hàng năm, gửi thư cảm ơn, thư ngỏ cho các chủ nhà, thông qua phương tiện thông tin truyền thông vận động chủ nhà trọ. Đặc biệt, TTHTSV luôn chú ý vận động các chủ nhà cho thí sinh thuê với giá rẻ và miễn phí. Nhờ duy trì mối quan hệ tốt với các chủ nhà trọ nên nguồn nhà trọ cho thí sinh hàng năm tăng dần. Sự lan toả của chương trình đã thể hiện ở việc chính các chủ nhà trọ trở thành những người vận động các hộ xung quanh, bạn bè cho thí sinh ở trọ.

Ý nghĩa nhân văn của chương trình đã làm cho nhiều chủ nhà trọ cho thí sinh ở miễn phí, nhiều cô bác chủ nhà trọ còn lo cơm, nước cho thí sinh có đủ sức khỏe, an tâm bước vào kỳ thi như cô Quận (ở đâu), chú Ngọc Anh (ở đâu), hay “bố” Để (ở đâu) ngoài việc cho ăn ở miễn phí còn đích thân đưa đón từng thí sinh đến điểm thi cho an toàn và kịp giờ. Thậm chí có chủ nhà còn bỏ tiền thuê lại các nhà trọ khác cho thí sinh ở miễn phí, sắm sửa quạt, chiếu cho thí sinh như anh Quang (ở đâu). Anh Quang cũng là người có ý tưởng tổ chức triển lãm tranh gây quỹ hỗ trợ thí sinh. Những cá nhân này đã trở thành chất xúc tác khiến ngày càng nhiều chủ nhà trọ liên lạc với TTHTSV cho thí sinh ở miễn phí trong các ngày thi. Các thí sinh trong thời gian ở tại các nhà trọ miễn phí, được chủ nhà trọ xem như con cháu trong nhà, nhiều thí sinh về quê vẫn thư từ đều đều với cô bác chủ nhà trọ và những bức thư ấy được các chủ nhà trọ trân trọng cất giữ rất kỹ.

Chương trình cũng đã nhận được sự “tiếp sức” của các doanh nghiệp bằng những hỗ trợ như tặng cẩm nang, bản đồ hay các vật dụng khác. Những năm đầu, sinh viên tình nguyện phải tiếp sức “chay”, còn bây giờ, nhờ các doanh nghiệp, sinh viên tình nguyện tham gia chương trình đã có đầy đủ các “bảo bối” để “tiếp sức” như đồng phục, bảng tên, cẩm nang, bản đồ, vé xe buýt phát tặng thí sinh. Nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ nhiều suất cơm trưa cho sinh viên tình nguyện, thí sinh và phụ huynh thí sinh (Ngân hàng Đại Tín trong 3 năm đã hỗ trợ hơn 150.000 suất cơm và nhiều đơn vị khác). Có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng trụ sở làm việc của mình, sửa chữa lại thành phòng trọ cho thí sinh ở miễn phí trong các ngày thi như công ty The Sun...

Việc các sinh viên tình nguyện trực tại các bến xe, nhà ga, đón thí sinh đã khiến lực lượng xe ôm không vui vì ảnh hưởng đến công việc của họ. Trong những năm trước, sinh viên tình nguyện đã gặp không ít sự chống cự, làm khó từ phía xe ôm tại các bến xe, nhà ga. Tuy nhiên, thời gian sau, các sinh viên tình nguyện nhận thấy lực lượng này cũng có thể tham gia “tiếp sức”. Vì thế, TTHTSV đã chủ động làm việc với các bác xe ôm để thoả thuận, vận động các bác chở thí sinh đến nhà trọ với giá rẻ. Từ một, hai bác xe ôm mà các bạn vận động được lúc đầu đã tác động đến nguyên một đội xe ôm sẵn sàng hỗ trợ thí sinh với giá phù hợp. Thậm chí có bác còn chở miễn phí đối với thí sinh khó khăn. Trong đội hình tiếp sức mùa thi hiện nay có cả các bác “xe ôm tiếp sức” và không ít bác chạy xe ôm đã được TTHTSV đề xuất khen thưởng các cấp.

Trong giai đoạn 2005-2009, chương trình tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” đã phát triển mạnh mẽ, nhân rộng ra cả nước. Các thí sinh được tiếp sức các năm trước khi trở thành sinh viên lại tiếp tục tiếp sức cho các thí sinh năm sau. Cứ như thế, chương trình ngày càng phát triển và hỗ trợ được nhiều hơn cho thí sinh. Việc tham gia của xã hội, người dân trong chương trình cũng ngày càng nhiều, rộng rãi đã góp phần quan trọng vào thành công của chương trình. Qua bảng số liệu sau (bảng số liệu nào), chúng ta có thể thấy sự lớn mạnh của chương trình “Tiếp sức mùa thi” cả về chất và lượng.

N.P

Số lượng lượt xem: 264
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa