title Phong trào thi đua

ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC LÀ NGÀY HỘI SINH HOẠT CHÍNH TRỊ CỦA TOÀN DÂN TỘC
Thứ năm, 05/10/2017, 03:24 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 17 tháng 4 năm 2009, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 25/HĐTĐKT về tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Theo đó, hiện nay các Bộ ngành, đoàn thể, địa phương đang tích cực xây dựng lập kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua theo hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Đại hội lần này sẽ có nhiều ý nghĩa quan trọng. Trước tiên, Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VIII sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội thiêng liêng và yêu dấu, trong niềm vui, tự hào phấn khởi của hàng triệu triệu con người. Niềm vui đó sẽ được nhân lên trong không khí tưng bừng của nhân dân cả nước Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; 80 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh; Kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2010 - 2010) theo Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng và những ngày Kỷ niệm lớn khác của đất nước và dân tộc.

Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VIII là Đại hội lần thứ hai của thế kỷ XXI và là Đại hội chào mừng những thành tựu vẻ vang của gần ¼ thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII có nhiệm vụ tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm (2005 - 2010), đề ra nhiệm vụ công tác thi đua giai đoạn 2010 - 2015; đồng thời biểu dương khen ngợi các tập thể, các cá nhân anh hùng, chiến sỹ thi đua, các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới đại diện cho các Bộ ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế.... Qua đó, tiếp tục khơi dậy, cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, tạo động lực mới cho sự nghiệp đổi mới đất nước trong hoàn cảnh, bối cảnh mới.

Sẽ có hàng trăm tập thể, cá nhân đại diện cho phong trào thi đua yêu nước chung của đất nước; của các tập thể và cá nhân điển hình, tiên tiến xuất sắc nhất trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tiêu biểu và người nước ngoài có nhiều đóng góp với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới dự Đại hội.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2005 - 2010, Đảng và Nhà nước đã Quyết định khen thưởng hàng trăm Huân chương Sao vàng, hàng nghìn Huân huy chương các loại; Chiến sĩ thi đua, Anh hùng Lao động, Bằng khen các loại… Từ Trung ương đến cơ sở các cấp đều thành lập bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng để có những hình thức thi đua, danh hiệu phù hợp, gắn phong trào thi đua với công tác khen thưởng. Điều này chứng tỏ rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phong trào thi đua yêu nước vẫn là một động lực quan trọng được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng thực sự là nguồn cổ vũ, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của đồng bào, chiến sỹ cả nước, tạo mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, là chất keo kết dính khối đại đoàn kết dân tộc, vững bước trên con đường đổi mới.

Hơn 20 năm qua, cũng là thời gian thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phong trào thi đua đã không ngừng phát triển trong cả nước, ở từng cơ sở, từng đơn vị chiến đấu, sản xuất, học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 35-CT/TW (1998) về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 39-CT/TW (2004) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến của Bộ Chính trị, tiếp đó là sự ra đời của Luật Thi đua - Khen thưởng, các Nghị định hướng dẫn thi hành thì phong trào thi đua được khơi dậy, phát triển mạnh mẽ hơn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đây cũng là Đại hội để thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác thi đua khen thưởng thời gian qua còn những lúng túng nhất định; còn có những quan niệm cho rằng, áp dụng công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới là khiên cưỡng,ít còn phù hợp. Cách thức duy trì, phát động thi đua, bồi dưỡng gương điển hình tiên tiến, việc tuyên truyền công khai, dân chủ, động viên khen thưởng chưa được thực hiện tốt. Công tác thi đua khen thưởng nhiều nơi chưa gắn liền với công tác quản lý, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt cất nhắc cán bộ; chưa gắn liền thi đua với khen thưởng. Khen thưởng còn tràn lan, chưa công bằng trong các tầng lớp xã hội. Nhiều tiêu chuẩn, hình thức, phương pháp khen thưởng duy trì quá lâu, làm mất tính hấp dẫn, không động viên khích lệ được đông đảo quần chúng. Không ít phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích giả tạo, chưa có chiều sâu... Những khuyết điểm làm giảm vai trò động lực của phong trào thi đua vừa qua là do thiếu sót chủ quan của chúng ta, chứ không phải do phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường. Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, thì nơi đó phong trào thi đua khen thưởng phát triển tốt. Ngược lại, nơi nào cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan không quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, thì nơi đó phong trào thi đua khen thưởng không phát triển, kinh tế - xã hội giảm sút...

Từ nay đến kỳ Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII không còn nhiều và cũng rất nhiều việc cần phải làm. Để tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII thành công và góp phần đưa phong trào thi đua yêu nước tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh được vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, là ngày hội chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đòi hỏi tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng sau:

1 - Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực chỉ đạo sát sao, nhạy bén của chính quyền, của thủ trưởng cơ quan; nâng cao sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành nhu cầu không thể thiếu của mọi tầng lớp nhân dân.

2 - Tổ chức thực hiện tốt các Chỉ thị, Luật Thi đua, Khen thưởng; xây dựng phong trào thi đua phát triển đều khắp ở tất cả các vùng, miền, tạo khí thế cách mạng sôi động trong nhân dân để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và hiệu quả của nền kinh tế - xã hội, tạo môi trường xã hội lành mạnh, đời sống văn hóa cao, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

3 - Xây dựng, bồi dưỡng những điển hình tiên tiến, nhân tố mới toàn diện hoặc từng lĩnh vực của địa phương, đơn vị để nêu gương, tuyên truyền, nhân rộng, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn quốc. Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, phù hợp gắn liền với công tác khen thưởng kịp thời.

4 - Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng cả về nội dung, hình thức; cải tiến thủ tục quy trình khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời, bảo đảm tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng; kiên quyết chống tiêu cực và bệnh hình thức trong công tác thi đua khen thưởng.

5 - Củng cố, tăng cường sức mạnh của hệ thống tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng từ Trung ương đến địa phương với phương châm: tinh gọn, có khả năng đổi mới và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng mới.

6 - Đặc biệt, quán triệt, xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức Đại hội thi đua các cấp thiết thực, phù hợp. Đại hội thi đua các cấp được thực hiện đúng mục đích, nội dung, tiến độ sẽ góp phần Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc thành công; thông tin tuyên truyền phổ biến sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng Đại hội thi đua yêu nước trong cộng đồng xã hội; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện việc tổ chức Đại hội thi đua; lựa chọn, bình xét các tập thể, cá nhân tiêu biểu để khen thưởng và báo cáo giới thiệu tại Đại hội để là tấm gương sáng mọi người học tập, noi theo. Tổ chức Đại hội tránh phô trương, hình thức, lãng phí phải thực sự có chất lượng, nâng cao tính nhân văn của công tác thi đua trong đời sống xã hội. Mỗi cơ quan, đơn vị phải lôi cuốn và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi người đối với Đại hội thi đua nói riêng và phong trào thi đua chung, để mỗi người cảm thấy thi đua không phải là công việc xa lạ, sáo rỗng.

Đại hội Thi đua yêu nước sẽ là ngày Hội chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chúng ta đã tự hào tổ chức thành công 7 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước và có sức lan toả trong toàn đời sống xã hội. Để Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII thành công, cần thực hiện nghiêm túc, khoa học Kế hoạch số 25/KHTĐKT của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng từ các cấp cơ sở đến Trung ương. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của các phong trào thi đua, mỗi người dân, mỗi đơn vị, tổ chức là bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua chung của dân tộc./.

Phạm Ngọc Bách

Số lượng lượt xem: 1509
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa