title Học tập và làm theo Bác

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong sự nghiệp đổi mới hôm nay
Thứ ba, 17/11/2015, 07:44 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Năm nay, trong dịp kỷ niệm 60 năm ra đời LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ thêm chiều sâu tư tưởng, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động phong trào yêu nước. Trong lúc thời cơ, thách thức đều hết sức lớn và đan xen nhau như lúc này, càng cần tiếp tục vận dụng sáng tạo của tư tưởng của Người về Thi đua yêu nước, làm dấy lên những phong trào yêu nước sâu rộng, thường xuyên, coi đó là một phương thức cần thiết nhằm tạo ra một động lực phát triển, đưa Việt Nam vượt qua thử thách, sớm thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển, tạo đà đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

 

Trước hết, cần làm cho cán bộ, Đảng viên các cấp và nhân dân thấy rõ tầm quan trọng và tính tất yếu của thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trước đây, trong thời kỳ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phải chú ý phê phán, nhắc nhở nơi này, nơi khác chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Ngày nay, khi mới bước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng từng có nhận thức sai lầm, cho rằng thi đua không còn quan trọng nữa. Trong kinh tế thị trường cứ mạnh ai người ấy làm, chỉ cần cạnh tranh lành mạnh. Ban thi đua-khen thưởng Trung ương cũng bị giải tán. Sau đó, Ban thi đua-khen thưởng được tái lập, đến năm 2003, Nhà nước ban hành Luật Thi đua khen thưởng. Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI, thứ VII được tổ chức. Phong trào thi đua mới lại tiếp tục được tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta vẫn cần làm cho các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên và nhân dân thấy thật rõ tầm quan trọng không thể thiếu, tính tất yếu của thi đua trên con đường Việt Nam bứt lên, thoát khỏi nghèo nàn, phát triển và cất cánh..

Theo Hồ Chí Minh, thi đua là tất yếu vì nền tảng của nó là "công việc hàng ngày của tất cả mọi người". Trước đây, thi đua kháng chiến, kiến quốc thành công, ngày nay, thi đua nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dan chủ, công bằng, văn minh. Người khẳng định rõ:

"Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ do nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta làm chủ nước nhà".

Trong xây dựng xã hội mới, thi đua là tất yếu. Thi đua là bản tính của con người. Bản chất con người luôn vươn tới cái tốt đẹp và tốt đẹp hơn. Không chịu bằng lòng với cái đã có, Đó là một điều kiện khách quan để Đảng, Nhà nước chủ động dùng phong trào Thi đua làm cho cuộc sống phát triển không ngừng.

Phát động phong trào thi đua yêu nước phù hợp với quy luật phát triển đất nước hiện nay. Kinh tế thị trường không gây trở ngại cho phong trào thi đua yêu nước mà ngược lại thúc đẩy phong trào phát triển. Bởi vì, ở nước ta là kinh tế thị trường được xây dựng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính trong cơ chế thị trường này, mới có điều kiện kết hợp chặt chẽ hai loại động lực: tinh thần và vật chất; kết hợp cả yếu tố tự phát và tự giác của con người, tạo nên nội lực mạnh mẽ của phong trào. Cần làm cho thi đua thành không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi công dân, mỗi cán bộ, Đảng viên.

Phát huy truyền thống yêu nước trong mỗi người Việt Nam thành phong trào thi đua chấn hưng đất nước, thoát nghèo nàn lạc hậu

Chủ tịch Hồ chí Minh coi tinh thần yêu nước của người Việt Nam là nguồn động lực, sức mạnh dân tộc. Song, qua những giờ phút tổ quốc lâm nguy, lúc bình thường, tinh thần yêu nước như các thứ của quý được cất giấu kín đáo trong rương hòm. Để khơi dậy được tinh thần yêu nước đó, Đảng, Nhà nước cần phát động phong trào thi đua biến tinh thần yêu nước của người Việt Nam thành một động lực to lớn đưa dân tộc ta vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thiên tai, địch họa. Cần phê phán quan niệm: "Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời", chỉ thi đua trong những dịp có kỷ niệm lớn,v,v,. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua là vấn đề chiến lược lâu dài, là hiện tại mà cũng là tương lai của nước nhà. " Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm nào". Phạm vi, lực lượng tham gia thi đua phải là toàn Đảng, toàn dân trên đất nước này. "Người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều".Người quan niệm thi đua ở tầm tư tưởng, đường lối chính trị, phương pháp cách mạng. Thi đua cũng là một là phẩm chất đạo đức của người Việt nam yêu nước. Còn với Đảng, Nhà nước cần coi thi đua là phương thức tốt nhất để phát huy lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi con người. Thi đua là phương pháp cách mạng mang bản sắc, truyền thống dân tộc Việt Nam. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay nhận thức về vai trò của thi đua phải được nhìn nhận ở tầm chiến lược phát triển của đất nước trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Phải bằng các phong trào thi đua phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế văn hoá một cách bền vững. Quyết đến năm 2010, nước ta thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển. Đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu không đạt được như vậy, thì chưa biết đến khi nào chúng ta mới trở thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Ngày nay, không thể có tinh thần yêu nước chung chung. Phải như lời Hồ Chí Minh: " Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".

Phát động các phong trào thi đua thiết thực, trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

"Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua,

Ngày ngày thi đua"

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, phong trào thi đua cần phải được tổ chức một cách thiết thực, sâu rộng và bao quát được toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, các lực lượng vũ trang. Thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già trẻ gái trai. Chú ý tính nhân dân, tính phổ biến trong các chủ trương thi đua của Hồ Chí Minh. Thi đua là dùng lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân. Thi đua là vì dân, cho nên phải trở thành bổn phận của dân.

Thi đua phải có mục đích, mục tiêu. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập tự do".

Hiện nay, mục tiêu thi đua phải bám vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp. Các phong trào thi đua yêu nước phải có mục đích, mục tiêu cụ thể, thiết thực, gắn chặt với lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập, chiến đấu của từng ngành, giới, vùng, miền, địa phương, lứa tuổi,v,v. Có mục đích trước mắt, mục đích lâu dài. Trước mắt, mục tiêu của các phong trào thi đua cần gắn chặt với việc chống lạm phát, không để tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2008 quá giảm sút vì những biến động kinh tế trên thế giới và cả sự yếu kém của ta, động viên, toàn Đảng, toàn dân, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để đến năm 2010, nước ta thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển. Đến năm 2020, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thi đua cần kiệm, tăng năng suất lao động đi đôi với chống quan liêu, tham ô và lãng phí.

Với phương châm Xây đi đôi với Chống, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm trong kháng chiến chống Pháp, phong trào 3 XÂY, 3 CHỐNG: "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ để xây được 3 cái tốt là ý thức trách nhiệm cao, quản lý kinh tế tài chính tốt và cải tiến kỹ thuật, cần tích cực chống 3 thứ "giặc ở trong lòng" là tệ tham ô, bệnh quan liêu và nạn lãng phí. Người phân tích hết sức sâu sắc tính nguy hiểm và tác hại ghê gớm của 3 loại "giặc nội xâm" này và cho rằng phải phát động phong trào của quần chúng thi đua chống giặc nội xâm như là thi đua chống giặc ngoại xâm. Yêu nước thì phải chống tham ô lãng phí, quan liêu như truyền thống dũng cảm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cuộc chiến đấu cực kỳ gay go, phức tạp. Đảng, Nhà nước phải biết dựa vào dân để chống quan liêu, tham ô, lãng phí.

Người chỉ rõ:

" Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ... Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận."

"Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ...Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công".

Kịp thời khen thưởng, động viên. Khen thưởng đúng người đúng việc, chống báo cáo láo, khen không đúng người đúng việc.

Theo dõi sát các phong trào thi đua từ các địa phương cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đọc báo thường ghi lại các tấm gương người tốt, việc tốt mà các báo trung ương và địa phương đăng. Sau đó, yêu cầu điều tra, xác minh lại, thấy đúng sự thật là Người gửi thư, bằng khen, huy hiệu hoặc quà cho những con người gương mẫu đó. Bằng cách này, trong quá trình chỉ đạo các phong trào yêu nước, Người đã trực tiếp phát hiện, gửi tặng huy hiệu cho 4.000 tấm gương người tốt việc tốt. Với cách đó, Người kịp thời động viên, cổ vũ các tấm gương người tốt việc tốt. Đồng thời, lấy các tấm gương tốt có thật trong cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân để giáo dục lẫn nhau. Cần thiết bồi dưỡng, nêu gương, nhân rộng người tốt việc tốt. Bởi những sự thật tốt đẹp đó có tác dụng giáo dục con người, thúc đẩy phong trào thi đua, xây dựng Đảng rất tốt. Như Người chỉ rõ: " Nói chung thì các dân tộc Phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Đảng, Nhà nước qua phong trào thi đua, đưa đông đảo quần chúng vào hoạt động thực tiễn sôi nổi, phát triển lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Thi đua yêu nước là trường học bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ chính trị xã hội cho con người, góp phần thiết thực vào chiến lược xây dựng con người mới.

Người phê phán các cấp uỷ Đảng, chính quyền hoặc cán bộ: "Không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa". Người phê phán tình trạng báo cáo không trung thực - bệnh thành tích trong phong trào thi đua: "Báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến".

Theo tư tưởng của Người, ngày nay thi đua, báo cáo thành tích phải trên cơ sở lòng trung thực, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, không dung thứ cách làm gian dối, tô hồng thực trạng, che giấu sai hỏng, nói vống công lao, thậm chí nặn ra thành tích giả tạo. Để đạt yêu cầu này, công tác khen thưởng phải thật sự nghiêm túc, đánh giá đúng thành tích, không cảm tình, nể nang và kiên quyết chống các hành vi sách nhiễu, mua chuộc.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời và đảm bảo tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng. Quan trọng là phải theo sát các phong trào thi đua, căn cứ vào thành tích trong phong trào thi đua để khen thưởng. Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Xây dựng ban hành các quy định cụ thể để thực hiện luật thi đua khen thưởng và tặng thưởng huân chương, huy chương. Kiên quyết chống tiêu cực và bệnh hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng.

Số lượng lượt xem: 1734
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn