title Giới thiệu chung

Thực trạng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của thành phố trong những năm qua
Thứ năm, 05/10/2017, 03:37 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Qua từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố phong trào thi đua yêu nước đã thu hút, động viên và phát huy được sức mạnh của các tầng lớp cán bộ và nhân dân thành phố, hăng hái thi đua lao động sản xuất thực hiện hòan thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

1.1- Công tác thi đua và Phong trào thi đua yêu nước của thành phố:

 - Giai đoạn từ năm 1975 đến 1980: Trong những năm đầu sau ngày Miền Nam hòan tòan giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội chưa thực sự ổn định và phát triển, công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng cũng chưa được chú trọng ở các cấp, các ngành thuộc thành phố, các phong trào thi đua được tổ chức phát động qua các đòan thể quần chúng, có nơi có lúc còn mang tính tự phát nên tác dụng phong trào thi đua còn hạn chế.

- Giai đoạn từ năm 1981 đến 1988: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố phong trào thi đua yêu nước được thể hiện tốt qua phong trào học và nhân điển hình tiên tiến trên địa bàn thành phố phát triển mạnh, nhiều phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từ đó hình thành một số chủ trương chính sách về đổi mới quản lý kinh tế của thành phố. Để ghi nhận thành tích và động viên khen thưởng phong trào thi đua, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành quyết định 417/QĐ-UB ngày 10/11/1981: “khi đạt được các danh hiệu thi đua thì được nâng lương vượt cấp hoặc trước thời hạn, giải quyết nhà ở, được ưu tiên cấp vốn, vật tư....”, những nhân tố mới tích cực, nhân điển hình tiên tiến được khẳng định và đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm qúy báu trong xác định phương hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố; phong trào thi đua yêu nước đã tạo được không khí phấn khởi thi đua lao động sáng tạo, lập nhiều thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực họat động về kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố.

- Giai đọan từ năm 1989 đến 2006: Công tác thi đua, khen thưởng trong cơ chế hành chính tập trung, quan liêu bao cấp, đến giai đoạn này đã có nhiều quan điểm nhận thức khác nhau, có ý kiến cho rằng trong cơ chế thi trường thì không cần thi đua mà tiền lương, tiền thưởng là yếu tố cơ bản để tăng năng suất lao động xã hội; cũng có ý kiến cho rằng bộ máy xét xử, kỷ luật ngày càng tăng cường trong khi bộ máy thi đua, khen thưởng thì lại thu hẹp là điều vô lý... đây cũng là giai đoạn thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giải thể Ban Thi đua trung ương và Ban thi đua các cấp, các ngành để kiện tòan Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp do đó việc xác định nội dung, phương thức họat động cho công tác thi đua và phong trào thi đua yêu nước có phần lúng túng.

Nhận thức được vai trò, vị trí quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng và phát triển đất nước,  Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành một số văn bản chỉ đạo về công tác thi đua – khen thưởng như Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03 tháng 6 năm 1998 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị 85-HĐBT, 46-CT và 395-CT của Thủ tướng Chính phủ; và các Nghị định, Chỉ thị, Thông tư hướng dẫn thực hiện cũng được ban hành, đã có tác dụng uốn nắn những lệch lạc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác thi đua khen thưởng, phong trào thi đua từng bước được phục hồi; phong trào thi đua trong cơ chế thị trường không những không bị yếu tố cạnh tranh lấn át mà chính thi đua đã nâng yếu tố cạnh tranh lên một chất lượng mới: “cạnh tranh lành mạnh”, hạn chế tiêu cực trong cạnh tranh và phát huy tối đa các mặt tích cực của cạnh tranh, góp phần thúc đẩy nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả, hiệu suất công tác.

 Về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của thành phố mặc dù từ năm 1988 Chính Phủ đã có Nghị định giải thể Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương và sáp nhập chức năng, nhiệm vụ của Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương với Viện Huân Chương thành lập Viện Thi đua, Khen thưởng Trung ương; nhưng tại thành phố, đến ngày 14 tháng 5 năm 1992 Ủy ban nhân dân thành phố mới ban hành Quyết định số 781/QĐ-UB về chấm dứt họat động Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố và kiện tòan Hội đồng Thi đua, Khen thưởng các cấp. Sau khi được kiện tòan, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành đã tăng cường tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua, sơ kết, tổng kết, mở hội nghị nhân điển hình tiên tiến, nhiều phong trào thi đua đã tạo ra động lực thúc đẩy thực hiện hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững sự ổn định và phát triển thành phố như: Phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang; phong trào thi đua lao động giỏi; phong trào dạy tốt, học tốt; phong trào thi đua cải tiến kiểu dáng, chất lượng, tiết kiệm, đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp; thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới trong nông nghiệp; phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa; xóa đói giảm nghèo... Và từ các phong trào trên đã xuất hiện hàng chục ngàn tập thể, cá nhân điển hình, đó là những nhân tố mới trong đổi mới, phát triển đã được các cấp Chính quyền và Nhà nước biểu dương, khen thưởng kịp thời trên tất cả các lĩnh vực.

- Giai đọan từ năm 2006 đến nay: Cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, vai trò, vị trí của công tác thi đua, khen thưởng cũng như vai trò của quần chúng và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đã được nhìn nhận một cách đúng đắn, khách quan và được quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp các ngành từ Trung ương đến cơ sở; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 39-CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến cũng là cơ sở, là tiền đề cho Luật Thi đua, khen thưởng ra đời vào tháng 11/2003 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005. Sau khi Luật Thi đua, khen thưởng được ban hành, Chính phủ đã có các Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định 122/2005/NĐ-CP ngày 04/10/2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng đã đánh dấu một bước ngoặt phát triển và đổi mới kể cả về nhận thức và hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng của cả nước nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

1.2- Về công tác khen thưởng:

            Trong từng giai đoạn cụ thể, công tác khen thưởng có nhiều điểm còn bất cập, như trước đây chủ yếu là khen tinh thần, các đối tượng được khen chỉ được cấp giấy khen, bằng khen và huân huy chương các loại; có lúc có nơi người ta chỉ quan tâm đến tiền thưởng mà coi nhẹ yếu tố ghi nhận thành tích thi đua; thời gian gần đây Nhà nước đã có các chính sách thưởng vật chất đối với các đối tượng được khen, đặc biệt là chính sách khen thưởng đối với diện chính sách, người có công, những người tham gia kháng chiến, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng... đã gây được khí thế phấn khởi trong nhân dân, củng cố được lòng tin của đồng bào, chiến sĩ đối với Đảng và Nhà nước. Đồng thời việc khen thưởng đối với kinh tế - xã hội cũng đã động viên được tinh thần nỗ lực phấn đấu trong thi đua lao động, sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, đời sống người dân được cải thiện và ổn định, tạo động lực mạnh mẽ trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển đất nước và thành phố./.

Tác giả: HĐTĐKT

HĐTĐKT

Số lượng lượt xem: 1973
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa