title Giải thưởng sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa
Thứ bảy, 01/01/2022, 09:03 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

SGGPO - Tối 30-12, tại Nhà hát Thành phố, UBND TPHCM tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 - năm 2021.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa ảnh 1

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM được xét tặng 2 năm một lần đối với 7 lĩnh vực, bao gồm: lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế); lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh); lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước); lĩnh vực 4 (truyền thông); lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật); lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật); lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo). Đây là giải thưởng nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống, tiềm năng sáng tạo của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, khẳng định năng lực sáng tạo của người dân TPHCM góp phần xây dựng và phát triển TPHCM trở thành thành phố thông minh, hiện đại.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 2 năm 2021 được UBND TPHCM phát động vào ngày 30-9-2020. Giải thưởng đã tiếp nhận 195 hồ sơ đăng ký tham gia. Trong đó: lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế): 4 hồ sơ; lĩnh vực 2 (quốc phòng, anh ninh): 4 hồ sơ; lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước): 36 hồ sơ; lĩnh vực 4 (truyền thông): 13 hồ sơ; lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật): 32 hồ sơ; lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật): 68 hồ sơ; lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo): 38 hồ sơ.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa ảnh 2

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi xem thông tin giới thiệu về Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

UBND TPHCM giao các cơ quan phụ trách 7 lĩnh vực của giải thưởng phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và Cơ quan Thường trực Ban tổ chức Giải thưởng thực hiện đưa tin tuyên truyền về danh sách các hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng để bạn đọc và các tầng lớp nhân dân thành phố có ý kiến phản hồi đến Ban Tổ chức Giải thưởng về các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Qua nhiều kỳ họp xét chọn, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM đã xét chọn 50 công trình để trao giải. Trong đó, có 3 giải Nhất, 15 giải Nhì và 32 giải Ba. Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức còn xét chọn trao 8 giải sáng tạo trong số 16 giải pháp nộp hồ sơ trong phòng chống dịch Covid-19, gồm: 1 giải Nhất, 5 giải Nhì và 2 giải Ba. Đây là sự ghi nhận, biểu dương của thành phố dành cho những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch, các cơ quan, đơn vị, các ngành, lĩnh vực của thành phố trong phòng chống dịch Covid-19.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa ảnh 3

Chương trình giao lưu tại lễ trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 - năm 2021. Ảnh:VIỆT DŨNG

Các công trình đạt giải Nhất gồm

1.    Công trình 
“Be Group - Hệ sinh thái mở, khởi nguồn cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo “make in Vietnam” của Công ty CP Be Group. Đây là Ứng dụng gọi xe Be cung cấp dịch vụ đa dạng, bao gồm 6 dịch vụ. Lăn bánh trên thị trường từ tháng 12-2018, chỉ sau 6 tháng (6-2019), Be giữ thị phần thứ 2 về gọi xe tại Việt Nam. Đạt trên 10 triệu lượt tải trên kho ứng dụng Google Play và App Store; 270 doanh nghiệp đang sử dụng ứng dụng Be; tiếp nhận trung bình 350.000 yêu cầu gọi xe mỗi ngày. Công trình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế.

2.    Công trình “Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ TPHCM” của nhóm tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Hoàng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Phó Chính ủy; Đại tá, Ths. Trần Vinh Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Chính trị; Đại tá Trần Văn Mạnh, nguyên Phó Tham mưu trưởng; Đại tá Nguyễn Văn Em, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần; Thượng tá Phạm Văn Hội, Trưởng ban Khoa học Quân sự; Đại tá Phạm Công Chững, nguyên Trưởng ban Ban Khoa học Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố và Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị; Đại tá, TS. Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Trưởng phòng Phòng Khoa học Quân sự, Học viện Chính trị.

Công trình nghiên cứu đã đề xuất luận cứ khoa học để Thành ủy TPHCM lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ TPHCM trong thời kỳ mới. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang thành phố cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây là công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, anh ninh.  

3.    Tác phẩm Xiếc Tre “À Ố Show” của nhóm tác giả: ông Tuấn Lê, ông Nguyễn Nhất Lý, ông Nguyễn Lân Maurice, ông Nguyễn Tấn Lộc, Công ty CP Lune Production. Tác phẩm “À Ố Show” trình bày các hoạt cảnh đời sống của làng quê Nam bộ yên ả đầy chất thơ và của thành thị ồn ào vui nhộn. Các kỹ năng biểu diễn, các kỹ xảo nghệ thuật sẽ được tổ chức khai thác theo nhóm, phù hợp với môi trường sinh hoạt của từng hoạt cảnh. “À Ố Show” đã có hơn 1.250 suất diễn tại Việt Nam, phục vụ hơn 300.000 khán giả trong nước, người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cùng du khách quốc tế đến từ hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật.

4.    Ngoài ra, giải Nhất sáng tạo trong công tác phòng chống dịch thuộc về công trình “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ sàng lọc nguy cơ, tư vấn chăm sóc y tế cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại nhà” của nhóm tác giả: ông Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; ông Lê Tuấn Thành, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hải Liên, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Hương, Công ty Beon/ BetterCre; ông Vũ Mạnh Cường, Bộ Khoa học Công nghệ; ông Lương Việt Nguyên, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Giang Thiên Phú, Công ty Gadget; ông Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai; ông Nguyễn Trọng Tài, Trường Đại học Y Hà Nội; ông Nguyễn Trung Linh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Sơn, Bệnh viện Việt Đức, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội; bà Lương Huyền My, Thành Đoàn Hà Nội, Hội Thầy Thuốc trẻ Hà Nội.

Điểm nổi bật trong hoạt động của Mạng lưới Thầy Thuốc đồng hành là ứng dụng công nghệ và điều phối nguồn lực cộng đồng để tư vấn, hướng dẫn và chia sẻ với người mắc Covid-19, với sự tham gia của hơn 10.028 lượt thầy thuốc và tình nguyện viên đăng ký, trong đó có hơn 6.300 thành viên hoạt động tích cực ngày đêm hỗ trợ người dân trong vùng dịch. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã mở rộng mô hình hỗ trợ Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.

 

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa ảnh 4

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi giao lưu, đại diện nhóm tác giả thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục chia sẻ, công trình “Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo TPHCM - Giải pháp đột phá và sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của ngành Giáo dục và Đào tạo” hiện đang kết nối hơn 2.000 cổng thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, công trình đã tạo sự liên kết các dữ liệu, từ đây, phụ huynh, học sinh có thể tìm kiếm các nội dung liên quan đến dạy và học, các clip học tập,… Cổng thông tin đã đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, nhất là khi TPHCM đang trong giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa ảnh 5

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao giải Nhất cho tác giả đạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Được tham gia chương trình và là một trong những tập thể đạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 2 với tác phẩm sách ảnh nghệ thuật “TPHCM 40 năm thành tựu và phát triển”, bà Nguyễn Hồng Nga, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM bày tỏ vinh dự và xúc động bởi những nỗ lực của Hội Nhiếp ảnh TPHCM đã được TP xét chọn và trao giải.

“40 năm hoạt động nghệ thuật, hôm nay chúng tôi được vinh danh tại giải thưởng cao quý này cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ được đền đáp xứng đáng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, đưa những hình ảnh đẹp để tôn vinh những vẻ đẹp của đất nước cũng như tôn vinh văn hóa, tuyên truyền các hoạt động của Đảng, của Nhà nước, nhất là phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bà Nga bày tỏ.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa ảnh 6
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao giải Nhất Giải thưởng sáng tạo TPHCM 2021. Ảnh: VIỆT DŨNG

Là một trong những tác giả của tác phẩm sách ảnh nghệ thuật “TPHCM 40 năm thành tựu và phát triển”, nghệ sĩ ảnh Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM cho biết, tác phẩm này chứa đựng những hình ảnh rất đẹp về TPHCM kể từ 10 năm sau giải phóng, trải qua quá trình đổi mới đến nay. Bức ảnh đem đến cho người xem toàn cảnh về chặng đường phát triển của thành phố; thể hiện rõ nét sự năng động, hiện đại, nghĩa tình, văn minh của TPHCM.

“Lễ trao giải đêm nay đã đem đến cho chúng tôi cảm xúc dạt dào, đây cũng là sự động viên, kích thích sự sáng tạo của anh em văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng như các ngành, các lĩnh vực khác. Tôi tin rằng, những năm tiếp theo, TPHCM sẽ có nhiều tác phẩm có giá trị đẹp, để đời”, nghệ sĩ Đoàn Hoài Trung chia sẻ.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM: Chắp cánh để sáng tạo vươn xa ảnh 7

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Giải thưởng sáng tạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Với công trình Nghiên cứu bào chế và thử nghiệm tác dụng hạ acid uric máu của viên nang DR từ Diệp hạ châu đắng và Râu mèo là món quà mà PGS.TS Nguyễn Phương Dung, nguyên Trưởng Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TPHCM và các cộng sự muốn dành tặng cho ngôi trường mà họ đã gắn bó – Trường ĐH Y Dược TPHCM.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Dung, tuổi thọ của con người ngày càng tăng nhưng họ cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe mà nguyên nhân do tăng acid uric trong máu. Ngoài ra, tình hình dược liệu của Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn, đòi hỏi yêu cầu phải có một chế phẩm giải quyết vấn đề tăng acid uric nhưng không ảnh hưởng tới bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, nghĩa là phải chọn cây trồng ngắn ngày, mùa nào trồng cũng được để có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Vì vậy, nhóm tác giả chọn Diệp hạ châu và Râu mèo là 2 loại thảo dược ngắn ngày, thích hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam. Với công thức và công nghệ chiết xuất đơn giản, nhóm tác giả đã có một sản phẩm có 3 tác động, vừa hạ acid uric cấp, vừa kháng viêm, đồng thời hạn chế được tình trạng tăng acid uric mãn tính.

Tự hào với giải pháp Chống thấm thuận, nghịch tầng hầm không cần hệ thống mương dẫn, bơm nước và tường che chắn, ông Đỗ Thành Tích, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Tín Thành khẳng định, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM sẽ là đòn bẩy để giải pháp này vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và có giá trị xuất khẩu cao.

Ông Tích phân tích, trong lĩnh vực xây dựng, chống thấm rất nan giải, chống thấm tầng hầm lại càng khó. Đa phần công nghệ trên thế giới đối phó với thấm bằng mương dẫn, máy bơm. Giải pháp đã giải quyết vấn đề này và được minh chứng bằng hàng ngàn công trình công ty đã thực hiện trong suốt 20 năm qua.

Nguồn: sggp

Số lượng lượt xem: 12162
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa