title Cải cách hành chính

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Triệt để, đồng bộ và tăng tốc cải cách hành chính
Thứ ba, 19/02/2019, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

SGGPO - Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, trong năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ giám sát UBND TP 19 nhiệm vụ liên quan đến kinh tế - xã hội, trong đó có 4 đầu việc về cải cách hành chính. Trong số này, có nhiệm vụ do Chủ tịch UBND TPHCM chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và đích thân Bí thư Thành ủy sẽ theo dõi, giám sát quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Chiều 19-2, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của TPHCM và tổng kết đợt thi đua cao điểm về CCHC trên địa bàn.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ CCHC năm 2019 của TPHCM và tổng kết đợt thi đua cao điểm về CCHC trên địa bàn. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Gần 68.300 hồ sơ trễ hạn

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Công Hùng thông tin, đến tháng 12-2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện ở TPHCM địa bàn là 767 dịch vụ (mức độ 3 có 655 dịch vụ).

Số hồ sơ nộp trực tuyến và trực tiếp đối với các dịch vụ có triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 852.020 hồ sơ (chiếm 38%).

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Công Hùng, trong CCHC vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa xác định được tầm quan trọng trong CCHC, nên chưa có sự quan tâm đúng mức.

Công tác khắc phục các hạn chế bị trừ điểm trong đánh giá chỉ số CCHC hàng năm còn chậm, còn nhiều nội dung bị trừ điểm 2 năm liên tục. Có cơ quan vẫn chưa xử lý triệt để các hạn chế, thiếu sót, vi phạm của công chức, viên chức, đặc biệt là các công chức, viên chức có thiếu sót, vi phạm và tham mưu, xử lý giải quyết hồ sơ bị trễ hạn.

Về việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, tính đến tháng 12-2018, số lượt đánh giá hài lòng thông qua hệ thống đánh giá hài lòng trên kênh đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ công chức qua các thiết bị đánh giá hài lòng (kiosk, tablet) đặt tại các đơn vị (có gần 88.630 lượt đánh giá.

Đánh giá về chất lượng chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công qua trang web www.danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn (gần 5.400 lượt đánh giá).

Hội nghị triển khai nhiệm vụ CCHC năm 2019 của TPHCM và tổng kết đợt thi đua cao điểm về CCHC trên địa bàn. Ảnh:VIỆT DŨNG.

"Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn dù kéo giảm dưới 1% nhưng số lượng hồ sơ trễ hạn vẫn còn cao, gây bức xúc cho người dân", ông Huỳnh Công Hùng nhận xét.

Thông tin thêm, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Sĩ cho biết, năm 2018, toàn TPHCM có gần 68.300 hồ sơ trễ hạn, chiếm 0,48% (trong năm 2017 có 38.500 hồ sơ trễ hạn, chiếm 0,32%) và hiện còn hơn 7.000 hồ sơ chưa được thực hiện thư xin lỗi (tỷ lệ 10%).

Hồ sơ trễ hạn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp… Thế nhưng, việc thực hiện thư xin lỗi chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Do đó, ông Võ Sĩ kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thực hiện thư xin lỗi, nêu lý do trễ hẹn và ngày hẹn trả kết quả. Đồng thời xử lý nghiêm (kiểm điểm, luân chuyển công tác) đối với cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần mà không có lý do chính đáng.

Liên quan đến kết quả thi đua cao điểm về CCHC (từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019), ông Huỳnh Công Hùng thông tin, sau 3 tháng toàn TPHCM có 307 giải pháp, sáng kiến (trong tổng số 574 sáng kiến, giải pháp của 399 địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký) thực. Tuy nhiên, việc đánh giá, đo lường hiệu quả các sáng kiến, giải pháp chưa thực sự rõ nét. Các giải pháp, cần thẩm định bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cần được đánh giá một cách thực chất hơn.

Bí thư Thành ủy TPHCM giám sát Chủ tịch UBND TPHCM

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân điểm lại 8 kết quả nổi bật trong CCHC của TPHCM năm 2018. Các kết quả rất ấn tượng như: tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,6%; gia tăng số hồ sơ tham gia dịch vụ công trực tuyến; không sử dụng văn bản giấy (giúp tiết kiệm ngân sách 8 tỷ đồng)…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tuy nhiên, đồng chí cũng phân tích về những hạn chế trong CCHC năm qua. Mặc dù tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao (99,6%), nhưng riêng Văn phòng UBND TP lại không công bố được tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Văn phòng UBND TP cũng phải là một đơn vị tham gia CCHC, trong đó có công bố thời gian giải quyết hồ sơ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, hiện nay nhiều quận - huyện chưa tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trực tuyến. Do đó, UBND TP cần tổ chức sinh hoạt chuyên đề để đánh giá các mô hình đang thực hiện (tại quận Bình Thạnh, quận 7, huyện Nhà Bè…), từ đó nhân rộng, đảm bảo sự đồng bộ.

Ngoài ra, hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa ghi nhận sự hài lòng, nơi đã ghi nhận thì thực hiện với các tiêu chí khác nhau.

“Năm 2018, toàn TP giải quyết khoảng 17,8 triệu hồ sơ nhưng chỉ ghi nhận 88.600 lượt đánh giá là rất thấp”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và đề nghị Sở Nội vụ, Sở TT-TT cần tham mưu, chuẩn hóa các tiêu chí để đến 6 tháng cuối năm áp dụng thống nhất trên toàn TP.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu thứ hạng về CCHC của TPHCM trên cả nước và đánh giá, với tốc độ thực hiện như hiện nay thì sự tiến bộ chỉ số CCHC còn chậm.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tặng bằng khen cho các đơn vị làm tốt công tác CCHC. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để đột phá trong CCHC thì đầu tiên, công tác này phải được thực hiện triệt để, đồng bộ và tăng tốc. Do đó, các cấp, các ngành của TP cùng Văn phòng UBND TP cần phải vào cuộc quyết liệt thực hiện đột phá về CCHC.

Cụ thể, năm nay 100% phường - xã - thị trấn phải công bố được tỷ lệ hài lòng người người dân; 24 quận - huyện phải tổ chức tiếp nhận trực tuyến ý kiến của người dân, qua điện thoại, với thời gian xử lý cụ thể trong vòng 2 giờ đến 5 ngày; nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến...

Đồng thời, mở rộng dịch vụ tra cứu thông tin trực tuyến cho người dân, về thông tin quy hoạch, dân cư, doanh nghiệp, thuế, bản đồ số…

“Công chức nhìn thấy người dân chờ thực hiện thủ tục phải "cảm" được bức xúc đó và suy nghĩ cách để người dân bớt cực, bớt khổ. Công tác CCHC phải thực hiện một cách sâu sắc, chạm đến trái tim của công chức và có các hành động tạo thuận lợi cho người dân”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Cùng đó, cán bộ, công chức, viên chức phải xem sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo cho hiệu quả công việc của mình, là cơ sở để chi trả thu nhập tăng thêm.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, trong năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ giám sát UBND TP 19 nhiệm vụ liên quan đến kinh tế - xã hội, trong đó có 4 đầu việc về CCHC.

Trong số này, có nhiệm vụ do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân sẽ theo dõi, giám sát quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho các đơn vị làm tốt công tác CCHC. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tặng bằng khen cho các đơn vị làm tốt công tác CCHC. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM… Thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch UBND quận - huyện đã ký cam kết về việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị năm 2019.

Bản cam kết có 10 nội dung cụ thể, đặc biệt là cam kết có ít nhất một sáng kiến, giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ giải quyết yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM chứng kiến các quận - huyện, sở - ngành ký cam kết thi đua quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM TRẦN VĨNH TUYẾN:

Nói “không” với sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm

Năm 2019, việc CCHC không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là nhiệm vụ thi đua sôi nổi trong các cấp chính quyền. TPHCM tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp góp ý, hiến kế, xây dựng chính quyền TP. Cùng đó, TPHCM từng bước xây dựng chính quyền hiện đại, gần dân, lấy sự hài lòng là mục tiêu phân đấu, phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp…

Chính quyền TPHCM cũng sẽ xây dựng khung tiếp nhận sự đánh giá hài lòng và đánh giá sự không hài lòng của người dân, doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Để đánh giá hiệu quả CCHC, trước hết phải là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là căn cứ xem trả thu nhập tăng thêm chính xác, hiệu quả cho công chức. UBND TPHCM sẽ giám sát cụ thể, không có câu chuyện không hoàn thành nhiệm vụ, sự hài lòng của người dân không cao mà công chức lại có thu nhập tăng thêm.

TPHCM kiên quyết đấu tranh với hành vi vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp. Nghiêm túc thực hiện xin lỗi khi hồ sơ trễ hẹn và từ đó, xem nguyên nhân, đánh giá cụ thể trách nhiệm công chức và đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.

TP công khai, minh bạch sự phối hợp các sở, ngành, quận huyện; nói “không” với thái độ vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm.

TP phát động người dân tham gia góp ý, sáng kiến cải tiến xây dựng chính quyền TP. Với tinh thần cầu thị, TP tiếp thu, cầu thị từ chuyện nhỏ nhất, để làm cho người dân, doanh nghiệp ngày càng hài lòng với Chính quyền.

Phó Giám đốc Sở Y tế TĂNG CHÍ THƯỢNG:

Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh

53 bệnh viện công lập trên địa bàn TP đã lắp đặt các ki-ốt để khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh. Trên màn hình ki-ốt có 15 nội dung mà bất cứ người bệnh nào khi đến khám bệnh đều có thể trải qua (như gửi xe, sử dụng nhà vệ sinh của bệnh viện, đăng ký khám, làm xét nghiệm, mua thuốc, cách giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế…). Người bệnh không hài lòng nội dung nào chỉ cần chạm vào nội dung đó trên màn hình ki-ốt thì ý kiến này lập tức được chuyển đến Phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện và Sở Y tế.

Ngay trong tháng đầu tiên thực hiện mô hình này, gần 16.000 ý kiến không hài lòng. Sau một thời gian thực hiện khảo sát, Sở Y tế và các bệnh viện nhận thấy có 3 vấn đề cần phải tập trung khắc phục, gồm “thủ tục đăng ký khám bệnh”, “thái độ ứng xử, giao tiếp của nhân viên y tế” và “nhà vệ sinh phục vụ người bệnh”. Từ đó, các bệnh viện cải tạo nhà vệ sinh, cử người thường xuyên dọn dẹp nhà vệ sinh; khắc phục than phiền về thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh, các bệnh viện đã cải tiến quy trình khám bệnh ngoại trú theo hướng rút gọn, đồng thời chủ động thông tin cho người bệnh biết thời gian chờ đến lượt khám, để họ không phải chờ đợi lâu.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân LÊ VĂN THINH,:

Bất cập về dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến nhận được sự tin cậy của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quận Bình Tân. Năm 2016, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 năm 2017 đạt hơn 27% (tăng 23% so với năm 2017) và năm 2018, đạt 51. Đặc biệt, quận triển khai 13 thủ tục trực tuyến mức độ 4 (trong các lĩnh vực lao động và xây dựng) và trong năm 2018, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 (năm 2018) đạt đến gần 99%.

Tuy nhiên, các TTHC thuộc lĩnh vực đất đai có số lượng hồ sơ nhiều nhất nhưng chưa được triển khai trực tuyến mức độ 3. Nguyên do, Bộ TN-MT đang xây dựng dự thảo điều chỉnh, bổ sung các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. Trong khi đó, các lĩnh vực còn lại dù đủ điều kiện triển khai trực tuyến nhưng số lượng hồ sơ rất ít và số người dân, tổ chức tham gia chưa nhiều.

Chúng tôi cũng kiến nghị xây dựng phần mềm kỹ thuật thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục của UBND TP để tạo thuận lợi cho các quận - huyện áp dụng đồng bộ, thống nhất các TTHC và tiết kiệm kinh phí đầu tư.

Tác giả: KIỀU PHONG - MẠNH HÒA

Nguồn: Khác

Số lượng lượt xem: 3186
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa