title Cụm 5 Thành Phố thuộc TW

Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2020
Thứ ba, 07/01/2020, 08:01 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sáng ngày 06/01, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2020.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang chủ trì Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công chức, viên chức làm công tác thi đua – khen thưởng tại các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương.
 

Đồng chí Trần Thị Hà báo cáo tại Hội nghị


Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, đồng chí Trần Thị Hà cho biết, qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Do vậy, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các phong trào thi đua trong 05 năm qua thực sự đã có tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương và cơ sở, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước. 

Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng tiếp tục được các ngành, các cấp nghiên cứu, tham mưu, xây dựng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Hội đồng và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tập trung triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm theo phương hướng, kế hoạch đề ra. Cơ quan thường trực và các thành viên Hội đồng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác. 

Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước khắc phục tính hình thức. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tiếp tục được triển khai hiệu quả và đi vào chiều sâu, trở thành nòng cốt, định hướng cho các phong trào thi đua trong cả nước. Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, được Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có những chuyển biến rõ nét; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu, tuyên truyền các điển hình tiên tiến. Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc được tổ chức hiệu quả, thiết thực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác... Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, quan tâm đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt.
 

Các đại biểu tham dự Hội nghị


Về phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025, đồng chí Trần Thị Hà cho biết, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2020 và những năm tiếp theo cần tiếp tục đổi mới để động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc. Các phong trào thi đua phải phát triển sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, trở thành động lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và kết quả thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW để đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, thực sự trở thành động lực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Thứ hai, phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, đơn vị để làm nội dung thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch đề ra. Phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, đa dạng, có tiêu chí thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào; thông qua các phong trào thi đua lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời. 

Thứ ba, công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để trình Chính phủ và trình Quốc hội vào cuối năm 2020. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thông tư, quy định, quy chế về thi đua, khen thưởng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Thứ tư, tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X để biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong toàn quốc. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua các cấp, các hoạt động biểu dương tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định như hiện nay; đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm chất lượng và số lượng, có phẩm chất chính trị, năng lực tham mưu, nghiên cứu cụ thể hoá các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, thực hiện tốt vai trò tham mưu tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
 

Quang cảnh Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, làm rõ những thành tích đã đạt được, những hạn chế còn tồn tại và đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. 
 

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chúc mừng và biểu dương những thành tích đã đạt được của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và vai trò là Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương trong thời gian qua.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, nơi nào làm chưa tốt, chưa đồng đều cần tập trung để tạo chuyển biến, khắc phục hạn chế nhằm thực hiện tốt và đồng đều. 

Tham mưu để phát động các phong trào mới và quan trọng là phát hiện, tìm ra những điển hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng đảm bảo hiệu quả, kịp thời, chính xác.

Các công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở các Bộ, ngành, địa phương cần tham mưu giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc chuẩn bị tổ chức Đại hội thi đua các cấp đảm bảo thành công cao nhất.

Tiếp tục đẩy mạnh 04 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Đặc biệt quan tâm tới 02 phong trào mới là “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và “Công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Tiếp tục xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, khắc phục được những hạn chế thời gian qua để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2020 và thông qua vào kỳ họp tháng 5/2021.
 

Đồng chí Lê Vĩnh Tân phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Vĩnh Tân cũng đánh giá cao vai trò tham mưu của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và vai trò là Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, trong đó đã tập trung hoàn thiện thể chế, tập trung xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), tham mưu xây dựng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ các văn bản về xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân, các phong trào thi đua...

Các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương diễn ra sôi nổi và phong phú. Điểm nhấn là đã tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Cán  bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” nhằm tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tổ chức thành công Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020, tạo dư luận tốt trong xã hội và được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Công tác xây dựng tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến đã có bước chuyển biến tích cực, tập thể, cá nhân tiên tiến đã được các cơ quan truyền thông tuyên truyền, tôn vinh, biểu dương nhiều đã góp phần xây dựng con người mới, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực và củng cố niềm tin của người dân với Đảng, với chế độ.

Chất lượng hồ sơ khen thưởng đã được nâng lên, khen thưởng kháng chiến được tập trung giải quyết cơ bản hoàn thành, các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác tại các Bộ, ngành, địa phương được quan tâm khen thưởng và đề nghị cấp trên cấp trên khen thưởng kịp thời... đã động viên, khích lệ được tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về thi đua, khen thưởng đã được thực hiện thường xuyên và nâng cao, vai trò quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp: 

Tăng cường về vai trò và trách nhiệm, tích cực tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn cả nước. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, khắc phục những bất cập còn tồn tại trong thực hiện Luật thời gian qua để trình Chính phủ, Quốc hội đảm bảo kế hoạch đề ra.

Tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua ngay từ đầu năm với nhiều biện pháp, giải pháp khả thi và hướng vào phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, tránh nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước phải rút ra được những kinh nghiệm, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng và chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong ngành Thi đua, khen thưởng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tới các cơ quan đơn vị, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đúng theo quy định của pháp luật. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ, tiếp tục đẩy mạnh và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục tham mưu để nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, các Bộ, ngành, địa phương cần xem xét, lựa chọn các tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu, xuất sắc để xét khen thưởng. Đơn vị nào thực hiện không tốt công tác cải cách hành chính, còn gây phiền hà, khó khăn, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp thì nhất định không xét khen thưởng cho đơn vị đó.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng.

Về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị giữ ổn định như hiện nay; đồng thời đội ngũ công chức, viên chức cần tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng./.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Thanh Tuấn - Thu Trang

Số lượng lượt xem: 3251
Trung bình (0 Bình chọn)
Tin mới hơn
Tin đã đưa